Dạy ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh dành cho trẻ em thường chú trọng vào phát triển cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Từng kỹ năng lại cần phương pháp dạy phù hợp mà dạy đọc tiếng Anh không thể bỏ qua dạy Phonics cho trẻ, trau dồi vốn từ vựng, giúp trẻ nhận biết ngữ âm,… Tìm hiểu ngay chi tiết 5 yếu tố cần thiết khi dạy kỹ năng đọc tiếng Anh cho trẻ em từ độ tuổi từ 2 – 13 tuổi thông qua bài viết dưới đây của Sylvan Learning Việt Nam.
Một khi nắm vững 5 yếu tố cần thiết này, trẻ sẽ trở nên tự tin và lưu loát hơn khi đọc tiếng Anh. Ngoài ra, cùng với 5 yếu tố này, phụ huynh còn có thể xây dựng nên các hoạt động, game tiếng Anh cho trẻ em đầy vui nhộn và thú vị giúp trẻ vừa giải toả năng lượng vừa học tập hiệu quả.
1. Phonics (Ngữ âm)
Phonics (Ngữ âm) là một trong những kiến thức căn bản nhất khi học đọc tiếng Anh cho trẻ em. Dạy Phonics cho trẻ giúp trẻ biết được mối liên hệ giữa từng chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh với âm thanh của chúng. Từ đó dễ dàng phát âm và đọc từ vựng tiếng Anh được cấu thành từ các chữ cái.
Không dạy Phonics cho trẻ từ sớm có thể khiến việc đọc tiếng Anh của trẻ trở nên khó khăn hơn, đồng thời thiếu nền tảng để phát triển kỹ năng đọc. Điều quan trọng là trẻ cần phân biệt giữa tên của các chữ cái và âm vị của chúng. Ngữ âm có thể được dạy ngay tại nhà với nhiều hoạt động vui nhộn, thú vị, phù hợp với trẻ nhỏ.
Ngữ âm sẽ đồng hành trong suốt quá trình dạy đọc tiếng Anh dành cho trẻ em. Tuỳ theo cấp độ, độ tuổi và khả năng thành thạo ngữ âm ở trẻ mà phụ huynh có thể lựa chọn phương pháp phù hợp.
2. Nhận biết ngữ âm
Để nhận biết ngữ âm, trẻ cần học về âm thanh (hay còn gọi là âm vị), âm tiết và từ tiếng Anh. Mỗi từ trong tiếng Anh được tạo thành từ sự kết hợp của các đơn vị âm thanh riêng lẻ, được gọi là âm vị. Ví dụ như từ “crab” được tạo thành từ bốn đơn vị âm thanh riêng lẻ: c/r/a/b.
Nhận biết ngữ âm tiếng Anh trên thực tế chính là khả năng nghe, xác định và sử dụng các đơn vị âm thanh riêng lẻ này. Đây là một trong những kỹ năng nền tảng rất cần thiết để trẻ bắt đầu học đọc tiếng Anh. Bằng cách xây dựng những trò chơi về vần điệu, từ vựng tiếng Anh hay đơn giản là đọc cho trẻ nghe thuờng xuyên, phụ huynh sẽ nhanh chóng phát triển kỹ năng nhận biết ngữ âm cho trẻ ngay từ nhỏ.
3. Vốn từ vựng tiếng Anh dành cho trẻ em
Vốn từ vựng tiếng Anh của trẻ ngày một dồi dào thể hiện phần nào thành công trong việc học tiếng Anh cho trẻ em. Đồng thời, càng biết nhiều từ, trẻ càng dễ dàng đọc và hiểu hết các văn bản tiếng Anh. Đọc nhiều loại sách tiếng Anh là một trong những cách tốt nhất để trẻ phát triển vốn từ vựng.
Trẻ em thường được dạy và làm quen với Sight Words khi mới bắt đầu học đọc tiếng Anh. Sight Words là những từ vựng tiếng Anh cho trẻ em cơ bản và thông dụng, giúp trẻ hình thành tư duy ngôn ngữ và dần làm quen với việc đọc tiếng Anh. Ví dụ như “on”, “I”, “the”, “and”, “is”, “an”, “be”,… Sight Words chiếm đến hơn 50% số lượng từ vựng trong các tài liệu, văn bản cho trẻ em mới bắt đầu học tiếng Anh. Do đó, sẽ cực kỳ có lợi cho trẻ khi tiếp cận với Sight Words sớm trong hành trình học đọc tiếng Anh của mình.
4. Mức độ lưu loát
Đọc càng lưu loát, người đọc càng nhanh chóng xoá mờ khoảng cách giữa việc nhận diện một từ tiếng Anh và hiểu nghĩa của nó. Dễ thấy, những người đọc tiếng Anh thông thạo không cần quá mất thời gian vào việc giải mã các từ trên một trang văn bản mà họ đọc. Thay vào đó, họ chỉ tập trung đến ý nghĩa được truyền đạt trong câu từ, hay lớn hơn là cả đoạn văn.
Để đạt được khả năng đọc lưu loát, một đứa trẻ cần phát triển tốt nhận thức về ngữ âm, kỹ năng ngữ âm và cả từ vựng. Việc thực hành đọc thường xuyên luôn là điều cần thiết để phát triển khả năng đọc tiếng Anh trôi chảy ở trẻ em. Thậm chí ngay cả việc đọc to cho trẻ nghe thường xuyên cũng góp phần nâng cao khả năng này của trẻ, bởi trẻ cũng cần lắng nghe và hiểu được một giọng đọc lưu loát là như thế nào để có thể bắt trước theo.
5. Kỹ năng đọc hiểu
Khả năng đọc hiểu có thể được mô tả là những khi con người ta đắm chìm vào những văn bản họ đang đọc, hình dung ra được các nhân vật trong câu chuyện, lắng nghe được các cuộc đối thoại như đang diễn ra trong đầu, và đưa trí tưởng tượng vượt ra xa khỏi những con chữ, trang giấy. Những người đọc hiểu tốt thường suy ngẫm về các diễn biến trong câu chuyện và hoà mình với cảm xúc của các nhân vật.
Chính vì thế, họ thường sẽ gặt hái được nhiều thông tin hơn và luôn nâng cao vốn từ vựng của bản thân. Đồng thời, họ còn liên kết thông tin với đời sống thực để nâng cao mức độ hiểu biết về các khái niệm và chủ đề mới.
Việc trẻ có kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh hay không có thể được đánh giá thông qua khái niệm nêu trên. Trên thực tế, đọc hiểu tiếng Anh là một kỹ năng phức tạp, đòi hỏi thời gian luyện tập và trau dồi thường xuyên. Kỹ năng đọc hiểu không chỉ ảnh hưởng đến việc đọc tiếng Anh dành trẻ em mà cả khả năng học tập tiếng Anh của trẻ trong tương lai.
Trong quá trình học đọc tiếng Anh, bạn nên khuyến khích trẻ nói ra những gì trẻ đã đọc được trong các tài liệu. Những buổi thảo luận ngắn sau mỗi buổi đọc sách luôn được đánh giá cao trong quá trình luyện tập và thực hành. Đây là một cách hữu ích để vừa theo dõi mức độ đọc hiểu, vừa cải thiện kỹ năng đọc hiểu của trẻ.
Trên đây là 5 yếu tố không thể bỏ qua khi dạy đọc tiếng Anh cho trẻ em, bao gồm dạy Phonics cho trẻ em, giúp trẻ nhận biết ngữ âm, tăng vốn từ vựng, rèn luyện mức độ trôi chảy và xây dựng kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh. Nhìn chung, những yếu tố này đều rất quan trọng và quyết định phần lớn hiệu quả của dạy đọc tiếng Anh dành cho trẻ em.