Ở nhiều nơi, khi áp dụng phương pháp giáo dục STEM, giáo viên đã được hướng dẫn và yêu cầu thiết kế giáo án STEM. Tuy nhiên, nhiều giáo viên không chuẩn bị giáo án một cách kỹ lưỡng, nghiên cứu một cách sơ sài qua mạng internet, sách vở và báo chí chuyên ngành. Kết quả là trong giáo án có rất ít khoảng trống cho học sinh trao đổi và thảo luận các kiến thức được dạy sau giờ học.
Sau đây, Sylvan Learning Việt Nam giới thiệu đến bạn 12 bước thiết kế giáo án STEM – quy trình dạy học STEM đơn giản giúp các giáo viên có thể thiết kế bài giảng STEM một cách dễ dàng mà vẫn hiệu quả.
12 bước không thể bỏ qua để thiết kế giáo án STEM hiệu quả
1. Thiết kế giáo án STEM bám sát và xoay quanh chủ đề mà trẻ đã được học, hoặc đang học
Khi dạy học theo chủ đề STEM, ví dụ như khi giảng dạy môn Khoa học và Toán học, bạn cần lập kế hoạch cho bài giảng của bạn xoay xung quanh những mục tiêu của hai môn học này. Ví dụ: Đề tài “Ngăn chặn xói mòn đất” trong môn Khoa học có thể kết hợp với khái niệm “tốc độ dòng chảy” trong môn Toán.
Một điều cần lưu ý là không nhất thiết mỗi chủ đề dạy học STEM phải được giải quyết như nhau trong mỗi bài giảng. Khoa học có thể là đầu đề cần trẻ giải quyết lúc này, trong khi các khái niệm toán tư duy được đặt ra trong một thử thách khác.
2. Gắn chủ đề học tập với các vấn đề trong đời sống thực tế
Các giáo viên cần mở rộng tầm nhìn, suy nghĩ của học sinh giúp các em kết nối các chủ đề dạy học STEM với vấn đề thực tiễn. Ví dụ như trong một buổi học, các em tìm hiểu chủ đề túi khí an toàn trong xe hơi. Một phản ứng hóa học đơn giản và an toàn diễn ra giữa axit axetic (giấm) và natri bicacbonat (muối nở). Điều này tạo ra một loại khí (carbon dioxide) có thể được sử dụng để thổi phồng các túi khí. Các kiến thức kết hợp giữa vật lý và hóa học, giải quyết một vấn đề thường thức sẽ giúp các em yêu thích bài học của mình hơn. Và có nhiều ý tưởng, sáng kiến hơn.
Một lưu ý nhỏ khi thiết kế giáo án STEM là khi hầu hết các giải pháp mà trẻ thiết kế và xây dựng sẽ không thực sự được sử dụng trong các tình huống thực tế, các em vẫn đang xây dựng các nguyên mẫu và mô phỏng các giải pháp cho các vấn đề thực tiễn. Điều này hoàn toàn hữu ích khi dạy học theo chủ đề STEM. Các kỹ sư thường xây dựng nguyên mẫu trước khi xây dựng một thiết bị thực tế. Các em vẫn có thể làm quen với việc xây dựng nguyên mẫu và mô phỏng, là những công đoạn không thể thiếu trong thiết kế kỹ thuật.
3. Giao những nhiệm vụ STEM cụ thể
Để tích hợp thành công khoa học và toán học trong một bài học STEM, hãy đảm bảo bạn có khả năng xử lý tốt chủ đề trong cả hai lĩnh vực nội dung. Giáo viên toán thiết kế giáo án STEM thường cần đào sâu hơn nội dung khoa học, và giáo viên dạy khoa học cần hiểu ngôn ngữ và nội dung của các thành phần toán học.
Cách tốt nhất là để các giáo viên toán, khoa học và công nghệ cùng nhau nghiên cứu và thiết kế giáo án STEM và đưa ra những đề bài, mục tiêu và đề xuất những giải pháp cụ thể, gần gũi và thiết thực với đời sống. Chia sẻ và rút kinh nghiệm về cách soạn giáo án STEM, cũng như lên kế hoạch dạy học STEM.
Ví dụ, khi đưa ra đề bài về túi khí, bạn cần đặt ra câu hỏi túi khí được sử dụng như thế nào. Có nhiều cách sử dụng túi khí mà trẻ có thể dễ hình dung, như là làm thiết bị bảo vệ khuỷu tay hoặc đầu gối trong thể thao, hoặc làm túi khí ô tô giúp giữ an toàn. Bạn có thể yêu cầu trẻ thiết kế một túi khí chống cháy, bơm hơi nhanh chóng để giữ an toàn khi xảy ra tai nạn với chi phí tiết kiệm nhất. Như vậy, trẻ phải vận dụng kết hợp nhiều kiến thức lý hóa lẫn toán tư duy để hoàn thành bài tập này mà vẫn hào hứng.
4. Hướng dẫn phương pháp đánh giá hiệu quả để trẻ hiểu phương hướng thực hiện
Khi bạn thiết kế giáo án STEM, bài học STEM cần nêu ra được các tiêu chí và ràng buộc mà học sinh phải đáp ứng khi thiết kế các giải pháp cho một vấn đề cụ thể. Nói một cách đơn giản, đây là các tiêu chí để “chấm điểm”:
- Khi nào thì giải pháp của các em được xem là thành công?
- Thiết bị hoặc nguyên mẫu của nhóm sẽ phải như thế nào để giải quyết vấn đề hoặc để mô phỏng một giải pháp thành công?
Các tiêu chí này cũng cần rất được thiết kế rất rõ ràng khi bạn lên kế hoạch dạy học STEM.
Ví dụ như với đề bài ở phía trên, để có thể kiểm tra hiệu quả của túi khí hạn chế thương tích, bạn hướng dẫn các em sử dụng trứng luộc như hành khách trong thí nghiệm để đánh giá kết quả của thí nghiệm. Chính xác thì học sinh sẽ tiến hành các bước thí nghiệm này như thế nào, và cần đo những gì? Đó là những câu hỏi mà giáo viên dạy học STEM phải giải quyết.
5. Hướng dẫn quy trình thiết kế kỹ thuật để giúp các em lập kế hoạch
Mô hình giáo dục STEM có trọng tâm giúp trẻ làm quen với Quy trình Thiết kế Kỹ thuật (the Engineering Design Process – EDP) trong các bài học STEM. Đây là khái niệm quan trọng, hướng dẫn trẻ quy trình giải quyết vấn đề một cách khoa học và cụ thể.
Các bước thường có trong Quy trình Thiết kế Kỹ thuật :
- Nghiên cứu: Tìm hiểu nguồn thông tin, dữ liệu liên quan đến vấn đề cần giải quyết. Các dữ liệu này cần liên quan trực tiếp, ví dụ như các giải pháp sẵn có, chi phí và nhu cầu thực tế. Trẻ có thể nghiên cứu qua internet, sách báo, catalogue, các kết quả nghiên cứu đã được công bố…
- Tìm hiểu yêu cầu thiết kế: Định nghĩa vấn đề, đưa ra danh sách các yêu cầu mà giải pháp phải đáp ứng và phân tích các yêu cầu này. Trong đời thực, đây là các phân tích nghiên cứu khả thi.
- Nghiên cứu khả thi: Lên lịch thực hiện, tổng hợp nguồn lực thực hiện, và các dự kiến, ước tính cho bước tiếp theo. Đây là bước cung cấp thông tin giúp ra quyết định hành động.
- Hình thành ý tưởng: Trong việc lập kế hoạch dự án, đây là bước đưa ra các ý tưởng cũng như đánh giá các ưu khuyết điểm, thuận lợi và bất lợi của ý tưởng được đưa ra. Bước này giúp hạn chế lỗi, quản lý tốt chi phí, đánh giá rủi ro có thể xảy ra cũng như khả năng thành công của dự án.
- Thiết kế sơ bộ: Đây là bước kết nối giữa ý tưởng thiết kế và thiết kế chi tiết. Các yêu cầu đối với hệ thống cần được thiết kế được cụ thể hóa thông qua sơ đồ, bảng biểu, và phác thảo sơ bộ dự án.
- Thiết kế chi tiết: Giai đoạn hoàn tất xử lý các vật liệu. Kết quả là các bản vẽ chi tiết.
- Hoạch định sản xuất: Lập kế hoạch để sản xuất hàng loạt, với các công cụ dụng cụ cần có để phục vụ sản xuất, các quy trình sản xuất bao gồm cả thử nghiệm sản phẩm cuối cùng, với các tiêu chuẩn thử nghiệm cụ thể.
Trẻ cần được làm quen với các bước thực hiện dự án như trên ở cấp độ đơn giản hơn, nhưng sẽ rất có ích nếu trẻ có thể hình dung một cách cụ thể các bước giải quyết vấn đề tương tự trong học tập và đời sống.
6. Giúp trẻ hiểu rõ đề bài cần giải quyết
Bài học STEM của bạn cần đưa ra câu hỏi và yêu cầu trẻ thực hành giải quyết vấn đề. Điều này kích hoạt sự tò mò của trẻ, giúp các em đặt ra những câu hỏi hay và chuyển giao trách nhiệm học tập từ giáo viên sang học sinh.
Trong giờ học STEM, bạn (giáo viên) sẽ không cho học sinh biết cách giải quyết vấn đề. Trẻ sẽ tự mình đưa ra quyết định và đưa ra giải pháp, có thể kèm theo sự hướng dẫn để giúp họ đi đúng hướng khi cần. Giải pháp của mỗi nhóm có thể khác nhau. Mọi ý tưởng dù khác biệt đều được hoan nghênh, miễn là chúng khả thi và thực tế. Không tìm ra giải pháp cũng không sao, dù sao các em cũng có thể áp dụng những gì học được để cải thiện giải pháp của mình.
Hãy lưu ý những điều này khi thiết kế bài giảng STEM.
7. Khuyến khích trẻ tham gia nghiên cứu giải pháp
Giao cho trẻ các bài đọc, xem các video và làm các thử nghiệm nhỏ. Đây là bước gợi ý cho trẻ các kiến thức giúp giải quyết vấn đề mà trẻ cần thực hiện.
8. Đưa ra hoạt động thu hút trẻ tham gia hoạt động nhóm
Trước và trong giờ học STEM, bạn sẽ cần cung cấp hướng dẫn có chủ đích để giúp học sinh làm việc nhóm hiệu quả. Bao gồm các hướng dẫn thực hành cũng như lưu ý về các hành vi phù hợp cũng như kỹ năng tương tác của mỗi em với bạn cùng nhóm. Có như vậy, các hoạt động STEM mới giúp trẻ hình thành các kỹ năng giao tiếp và kỹ năng làm việc nhóm cần thiết.
9. Hướng dẫn các nhóm chọn ý tưởng để thử nghiệm và sau đó tạo mẫu thử
Ví dụ như trong hoạt động thiết kế túi khí nói trên, các em có thể chọn cho mình hệ thống túi khí mà các em thấy có tỷ lệ hóa chất tiết kiệm chi phí nhất, cùng một thiết bị mà các em cho là sẽ vận chuyển tốt nhất. Hãy để trẻ tìm hiểu và xây dựng một mẫu thử của hệ thống túi khí.
10. Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thử nghiệm và đánh giá mẫu thử
Tạo điều kiện cho các em thử nghiệm mẫu và thu thập dữ liệu để đánh giá mức độ hoạt động của các mẫu thử này. Sau đó, hướng dẫn các em phân tích dữ liệu và đánh giá mẫu có đáp ứng các tiêu chí ban đầu được đưa ra hay không.
11. Tạo cơ hội chia sẻ quá trình nghiên cứu giữa các nhóm với nhau
Đừng quên điều này khi thiết kế giáo án STEM. Tổ chức buổi trình bày để các nhóm có thể chia sẻ quá trình thử nghiệm, giải thích với cả lớp về giải pháp của mình.
12. Khuyến khích trẻ làm lại nếu có thời gian
Sau khi chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm, tốt nhất là trẻ có điều kiện để làm lại dự án để cho ra kết quả tốt hơn, và có thể là tốt nhất.
Giáo án STEM trong hoạt động STEM học đường
Dạy học theo chủ đề STEM trong nhà trường phổ thông đã được triển khai tương đối rộng rãi tại một số thành phố lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên, do mô hình giáo dục STEM còn tương đối mới mẻ tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một số hướng dẫn dạy học theo định hướng giáo dục STEM trong nhà trường phổ thông. Đồng thời, các buổi tập huấn cho các thầy cô giáo cũng được thường xuyên tổ chức để thầy cô có thêm nhiều thông tin và được hỗ trợ khi triển khai dạy học STEM.
Xem thêm:
- Nội dung tập huấn chương trình giáo dục theo định hướng STEM tại Việt Nam
- Hướng dẫn dạy học theo định hướng giáo dục STEM trong nhà trường phổ thông
- 7 bước thiết kế chủ đề hoạt động STEM học đường
Giáo án STEM mẫu và hướng dẫn
Giáo án STEM theo môn học được triển khai bước đầu tương đối rộng rãi ở bậc tiểu học và THCS. Các chủ đề dạy học STEM được lồng ghép các hoạt động STEM song song với giờ học truyền thống giúp các em có cơ hội thực hành nhiều hơn, học tốt và vui hơn.
Tham khảo thêm bên dưới hướng dẫn và các giáo án STEM mẫu mà Sylvan Learning Việt Nam tổng hợp từ nguồn nước ngoài cho các hoạt động STEM học đường. Ưu tiên các hoạt động trực quan sinh động, dễ áp dụng, chúng tôi hi vọng giúp bạn có thêm các chọn lựa cho trẻ khi học STEM.
Các giáo án stem có thể được phân loại theo bậc học: Giáo dục STEM mầm non – Giáo án STEM tiểu học – Giáo án STEM THCS và Giáo án STEM THPT. Các giáo án STEM cũng có thể được phân loại theo môn học.
- Hướng dẫn dạy học STEM môn Toán hiệu quả
- Hướng dẫn chuẩn bị giáo án STEM môn Hóa hiệu quả
- Đa dạng đề tài giáo án STEM môn sinh học trường phổ thông
- Đa dạng đề tài giáo án STEM Vật lý trường phổ thông
- Tổng hợp giáo án STEM môn Tin học THCS
- Tổng hợp giáo án STEM môn Công nghệ ở trường phổ thông
Trên đây, Sylvan Learning Việt Nam đã giới thiệu 12 bước thiết kế giáo án STEM – quy trình dạy học STEM hiệu quả và thành công. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có ý tưởng áp dụng mô hình giáo dục STEM đạt được kết quả tốt nhất nhé!