Cùng với xu hướng giáo dục STEM đang lan tỏa tới nhiều quốc gia trên toàn thế giới, nhiều sự kiện cũng như hoạt động quan trọng được tổ chức tại Việt Nam với mục tiêu mở rộng phạm vi tiếp cận cũng như đưa giáo dục theo định hướng STEM đến gần hơn nữa với nền giáo dục quốc gia. Trong đó tiêu biểu là chương trình tập huấn giáo dục theo định hướng STEM tại Việt Namcho lãnh đạo và giáo viên các cấp diễn ra vào tháng 8 năm 2016.
Tập huấn chương trình giáo dục theo định hướng STEM trên cả nước từ năm học 2016-2017
Trong giai đoạn từ 2016 – 2017, Bộ Giáo dục Đào tạo triển khai một chuỗi các hoạt động về thí điểm các phương pháp tiếp cận giáo dục phổ thông theo hướng toàn diện, khuyến khích trải nghiệm và sáng tạo. Nằm trong chuỗi các hoạt động đó phải kể đến chương trình Tập huấn “Phương pháp Giáo dục theo định hướng STEM” diễn ra vào tháng 8 năm 2016.
Chương trình tập huấn này do Hội đồng Anh, Bộ Giáo dục Đào tạo cùng với Quỹ Newton phối hợp tổ chức. Đối tượng tham gia chương trình gồm 22 lãnh đạo và 54 giáo viên bộ môn Toán, Lý, Hóa, Sinh và Công nghệ cấp THCS và THPT tại 14 trường tham gia thí điểm dự án Giáo dục STEM.
Mục tiêu của chương trình tập huấn giáo dục theo định hướng STEM
Chương trình tập huấn được tổ chức hướng tới mục tiêu xây dựng tầm nhìn của lãnh đạo và giáo viên các trường học về phương pháp giáo dục theo định hướng STEM. Lấy tầm nhìn đó làm căn cứ để lập kế hoạch thực tiễn đưa phương pháp giáo dục STEM áp dụng hiệu quả tại các trường học.
STEM là viết tắt của 4 từ tiếng Anh đại diện cho 4 lĩnh vực: Khoa học, Công Nghệ, Kỹ Thuật và Toán Học. STEM xóa bỏ khoảng cách giữa thực tiễn và hàn lâm khi để học sinh học thông qua thực hành. Học sinh sẽ sử dụng kiến thức tổng hợp từ 4 lĩnh vực kể trên để vận dung vào giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Kết quả cuối cùng là sự hình thành một cách tự nhiên và vững chắc các kỹ năng và tư duy cần thiết cho tương lai của các em như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc, kỹ năng giải quyết vấn đề hay tư duy phản biện…
Các nội dung chính của chương trình tập huấn giáo dục theo định hướng giáo dục STEM
Người đóng vai trò dẫn dắt chương trình cũng như tập huấn cho các lãnh đạo và giáo viên tham gia là Tiến sỹ Mark Hardman và ông Alan West. Đây là hai nhân vật có sức ảnh hưởng lớn và có kinh nghiệm trong việc tập huấn định hướng giáo dục STEM.
Trong đó, Tiến sỹ Mark là người đang dẫn dắt các chương trình đào tạo giáo viên tại hai trường đại học King’s College London và Canterbury Christ Church University tại Anh. Cho đến nay, Mark Hardman đã hướng dẫn 4 sinh viên làm thí nghiệm về giáo dục STEM thành công. Mặt khác, ông Alan West là giám đốc điều hành Exscitec – một công ty tư nhân tại Vương quốc Anh được thành lập để hỗ trợ việc tiếp cận phương pháp giáo dục STEM giữa các trường học và trường đại học.
Chương trình tập huấn diễn ra trong 6 ngày với các nội dung được phân bổ như sau:
Phát triển năng lực giảng dạy của giáo viên
Nội dung đầu tiên là phát triển năng lực giảng dạy cho các giáo viên với 3 kỹ năng STEM diễn ra trong 4 ngày đầu trong chương trình tập huấn. Cụ thể, các tài liệu tập huấn STEM tập trung vào 3 kỹ năng STEM cơ bản:
- Xác định vấn đề STEM
- Sử dụng những phương pháp phù hợp để tìm hiểu
- Phân tích đánh giá
Để hiểu hơn về cách triển khai của giáo dục STEM, tại buổi tập huấn, các giáo viên đã làm thí ngiệm thực tế như một học sinh để qua đó trả lời các câu hỏi: Vấn đề STEM là gì?; Giáo viên sẽ tổ chức hoạt động như thế nào để học sinh tham gia và có tính thực tiến?; Học sinh sẽ cần những kỹ năng nào để tham gia các hoạt động đó?
Thí nghiệm được triển khai trong chương trình bao gồm lý thuyết Trò chơi (Toán), pin mặt trời/ quang điện (Vật lý), hoạt động nước biển (Toán/ Công nghệ) và xác định ADN của hoa quả (Sinh học).
Phân tích và đánh giá việc áp dụng phương pháp giáo dục STEM trong nhà trường phổ thông
Song song với trả lời câu hỏi được đưa ra về STEM, các giáo viên cũng tham gia phân tích và đánh giá việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích hợp liên môn vào các trường học. Kết quả phân tích và đánh giá là nền tảng để lên kế hoạch xây dựng chương trình STEM tại các trường học bao gồm các yếu tố:
- Bối cảnh thực tế
- Phương pháp dạy học STEM
- Nguồn lực
- Phương pháp đánh giá
- Độ an toàn, liên môn tích hợp và liên kết ngoài trường học
Định hướng tầm nhìn STEM cho lãnh đạo nhà trường
Hai ngày cuối của chương trình tập huấn là thời gian ban điều hành định hướng tầm nhìn STEM cho lãnh đạo các trường. Cụ thể hơn là giúp các nhà lãnh đạo xác định được lợi ích của giáo dục STEM đối với trường phổ thông thể hiện ở sự phát triển năng lực suy nghĩ tích cực của học sinh, phối hợp hiệu quả giữa các môn học, tạo động lực học tập cho học sinh và thu hút sự tham gia của phụ huynh.
Trong chương trình, các lãnh đạo cũng được lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm quản lý từ các trường tại Vương quốc Anh và thách thức trong việc xây dựng thời khóa biểu, không gian và sự tự tin của giáo viên khi triển khai STEM. Đồng thời, vấn đề về việc thiết lập mối quan hệ để tiếp tục được đào tạo về chuyên môn với các trường đại học, các trường công nghiệp và các tổ chức cung cấp giáo dục STEM đã được thảo luận tại chương trình.
Xem thêm: Giáo dục STEM tại Việt Nam có theo kịp giáo dục STEM trên thế giới?
Kết quả bước đầu của chương trình tập huấn định hướng giáo dục STEM ở Việt Nam
Những hoạt động và sự kiện về STEM bao gồm chương trình tập huấn định hướng giáo dục STEM do bộ GDĐT triển khai, thực hiện giai đoạn 2016 – 2017 đã thu về những kết quả nhất định với sự biến chuyển trong chất lượng học tập của học sinh các trường.
Những dự án cho phép học sinh được trải nghiệm, tham gia nghiên cứu, đào sâu kiến thức từ vấn đề thực tế đã được thực hiện nhiều hơn. Tiêu biểu như Dự án trồng cây thâm canh trên phần mái của trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong tại Nam Định, hay chuyến đi thực tế thăm các cơ sở sản xuất gạch ngói thủ công của học sinh trường THPT Chúc Động,…
Thêm vào đó, số lượng những câu lạc bộ ngoại khóa về STEM trong các trường cũng tăng lên, mở ra cơ hội để học sinh đến gần hơn với STEM. Những câu lạc bộ này trung bình kéo dài từ 2 – 4 giờ học mỗi tuần và mỗi dự án có thể kéo dài vài tuần. Hoạt động của câu lạc bộ ngoài nghiên cứu, thí nghiệm còn có các chuyến đi thực tế, tiêu biểu như chuyến thăm quan Trung tâm Đào tạo Hạt nhân và Trung tâm chiếu xạ Hà Nội – thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam của các em học sinh của trường THCS Lê Lợi, Hà Đông.
Xem thêm: Tài liệu tập huấn STEM của Bộ Giáo dục Đào tạo
Ngày một nhiều các trường học có kết quả tích cực khi triển khai STEM nhờ vào sự phối hơp của lãnh đạo nhà trường với giáo viên, sự ủng hộ của các bậc phụ huynh và cả các em học sinh. Đặc biệt, nhiều học sinh bày tỏ sự yêu thích và lựa chọn các lĩnh vực của STEM làm định hướng nghề nghiệp.